Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp ban soạn thảo, chiều 15-3. Ảnh theo Báo Công thương

Theo Bộ Công thương, dự án luật này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Bộ Công thương được giao nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết thi hành và đề xuất xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) để thể chế hóa đầy đủ các nội dung của Nghị quyết số 55-NQ/TW.

Cuộc họp của Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi), chiều 15-3

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các thành viên ban soạn thảo góp ý cho dự thảo luật, đảm bảo đáp ứng 6 chính sách lớn trong sơ thảo của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm:

Chính sách 1: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước

Chính sách 2: Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới

Chính sách 3: Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực

Chính sách 4: Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường

Chính sách 5: Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện

Chính sách 6: An toàn sử dụng điện sau công-tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện

Liên quan nội dung “quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường”, thông tin từ Bộ Công thương cho biết, từ năm 2020, Bộ Công thương đã đề xuất, triển khai xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Ngày 29-12-2023, Bộ Công thương đã có tờ trình 9329 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn.

Bộ Công thương cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo cơ chế về DPPA, đã nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, tính toán các phương án và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đề xuất tiêu chí, mô hình phù hợp cho Việt Nam, đảm bảo tính khả thi vận hành hệ thống điện và phù hợp với thiết kế của thị trường điện tại Việt Nam.

Về cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn FDI lớn như Samsung, Apple, Heineken, Google, Nike… đã bày tỏ sự quan tâm, ủng hộ cơ chế này. Hầu hết các doanh nghiệp mong muốn Việt Nam sớm ban hành cơ chế này để phù hợp với xu hướng chung của thế giới, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, giá điện theo cơ chế thị trường.

Tin liên quan

Đề nghị sửa Luật Điện lực, xóa bù chéo giá

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Điện lực

VĂN PHÚC